Thánh Phanxicô Assisi
(1182-1226) – Đấng Sáng lập dòng Anh em Hèn mọn
Thánh Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi, ở phía bắc thủ đô Rôma. Cha là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ; mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức hiếm có.
Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gôthiê đơ Briên-nơ đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.
Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát !”Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại ba ngôi nguyện đường cạnh Assisi. Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.
Ngày 24.2.1208, đang buổi lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm : “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng... Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy...” (Mt 10,10). Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, từ đó quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Tự. Phanxicô vừa đi rao giảng Tin Mừng vừa khất thực.
Với tình yêu sự khó nghèo, Phanxicô yêu thương những người nghèo, những bệnh nhân mà ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ. Thánh Phanxicô đã sống khó nghèo tuyệt đối. Ngài muốn bắt chước Chúa, muốn noi gương đức Mẹ để sống cuộc đời khó nghèo. Ngài đã kéo mọi người, kéo mọi vật, mọi thụ tạo lại gần Thiên Chúa. Ngài đã gọi nhân đức nghèo là “Bà Chúa nghèo”, Ngài đã gọi Mặt Trời là Anh Mặt Trời, Mặt Trăng là chị Mặt Trăng, thần chết là “Bạn Chết” vv…Ngài muốn nói lên một thực tế là tất cả đều do Tình Yêu của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, mọi sự, mọi vật, mọi loài, kể cả con người đều hòa quyện nơi Tình Yêu của Chúa và như thế, tất cả đều trở nên bài ca tình yêu muôn thuở, cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi.Năm 1224, Phanxicô rút lui về ẩn mình tại núi Laverna. Nơi đây, ngài được Chúa in 5 dấu thánh của Người trên chân tay và cạnh sườn. Phanxicô đã sống một cuộc tử đạo này trong hai năm trời các vết thương luôn rỉ máu, cộng với nỗi đau khổ do một số anh em sống xa lý tưởng ban đầu gây ra. Trong nỗi cô đơn và đau khổ do bệnh hoạn, ngài chỉ muốn hoàn tất ý định của Thiên Chúa cho đến khi “Bạn Chết” của ngài đến kết thúc cuộc đời vào ngày 3.10.1226. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16.7.1228.
THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ,linh mục
(St. Francis Xavier)
Ngày 3 tháng 12
Thánh Phanxicô Xaviê được mệnh danh là Phaolô thế kỷ XVI.Thánh nhân có tinh thần truyền giáo cao độ. Ngài luôn hướng tới Chúa và yêu mến các linh hồn.Phanxicô đi đi mãi tới các nước Châu Á. Ngài đến với Á Châu, đến với những con người chưa biết Chúa.Ngài luôn mang trong mình Ngài hai tình yêu đã nên một:tình yêu Ðức Giêsu Cứu Thế và tình yêu các linh hồn.
CON NGƯỜI ÐẶC BIỆT
Thánh Phanxicô sinh năm 1506 tại miền xaviê thuộc địa phận Pampelune nước Tây Ban Nha trong một gia đình giầu sang,quyền quí,vị vọng.Thánh nhân có trí thông minh đặc biệt,nên vào năm Ngài lên 19 tuổi,cha mẹ Ngài gửi Ngài qua Paris để tiếp tục công việc đèn sách.Tám năm sau đó,Ngài tốt nghiệp đại học và trở thành giáo sư danh tiếng tại nước Pháp.Thánh nhân lúc đó miệt mài chạy theo danh vọng trần tục.Ngài coi trần gian là tất cả. Ý Chúa nhiệm mầu,cao sâu,huyền bí nào ai hiểu nổi.Một lời của Chúa đã khiến Phanxicô thay đổi tất cả:" Ðược lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ?".Chúa đã dùng miệng lưỡi của thánh Ignatiô cũng là thầy dạy Ngài để nói lên điều đó.Chính lời Chúa đã biến đổi cuộc đời của Ngài tận căn.Chúa đã chiếm đoạt con tim của Ngài toàn vẹn.Thánh nhân đã trở thành khí cụ bình an đem Tin Mừng cho người Á Châu.Năm 1539,Ðức Thánh Cha Phaolô III đã sai Ngài đi truyền giáo cho dân tộc Ấn Ðộ.
Thánh Phanxicô đã miệt mài với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ðâu đâu Ngài cũng nghe tiếng thúc bách của các linh hồn:Ấn Ðộ,Macao,Nhật Bản,Trung Hoa cũng nằm trong trí óc và hiện ra trước mắt Ngài. Ngài đi mãi,đi hoài không mệt mỏi,không lo âu,sợ sệt và do dự.Mười một năm ròng rã loan báo Tin Mừng,cuộc đời thánh nhân là một cuộc hành trình dài không ngừng.Ngài lúc nào cũng được thúc bách bằng tấm lòng nồng cháy các linh hồn. Ngài đã đem không biết bao người về với Chúa,với Giáo Hội.Ngài có lòng khiêm nhượng tuyệt đối, Ngài luôn yêu mến và kính trọng bề trên của Ngài là thánh Ignatiô. Chúa đã giúp Ngài bằng nhiều phép lạ phi thường vì lòng nhiệt thành hăng say của Ngài đối với các linh hồn.
CHÚA ÐỘI MŨ TRIỀU THIÊN CHO PHANXICÔ XAVIÊ
Lòng hăng say nhiệt thành của Phanxicô,quên bản thân mình để cho nhiều người được hạnh phúc.Thánh nhân nhìn nước Trung Hoa với tình thương lênh láng,Ngài ước mong đem Tin Mừng và Giáo lý của Chúa Giêsu cho một dân tộc đông dân nhất thế giới.Ước mơ của Ngài chưa thể thực hiện thì ngày 02/12/1552,Ngài qua đời khi trên đường gần tới nước Trung Hoa,tại cửa ngõ bước vào Trung Hoa tại đảo Tân Châu.Xác thánh nhân được đem về an táng tại thành Goa nước Ấn Ðộ.Năm 1622,Ðức thánh cha Grêgoriô XV đã phong Ngài lên bậc hiển thánh và đến năm 1904,Ðức Giáo Hoàng Piô X đã đặt Ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo.
THÁNH GIOAN BOSCO
Đáng Kính 02.06.1929
Hiển Thánh 01.04.1934
Những năm trước và sau thời linh mục
Gioan Bosco sinh tại Castelnuovo thành Asti ngày 16 tháng 8 năm 1815 trong một gia đình nhà quê. Cha là Phanxicô Bosco, qua đời khi Gioan chỉ mới 2 tuổi. Mẹ là Magarita Ochiena, đã một mình nuôi dưỡng Antôn, Giuse và Gioan.
Với đức tin vững mạnh cùng sự tử tế kiên gan, một nhà giáo dục khôn ngoan đã biến gia đình trở thành một giáo hội tại gia.
Ngay từ thời bé, Gioan đã bắt đầu cảm thấy một ước muốn trở thành linh mục. Cậu kể lại giấc mơ 9 tuổi vốn khai mở sứ mệnh của mình. Một người đàn bà sáng láng tựa mặt trời đã nói với cậu: "Con hãy trở nên khiêm nhường, mạnh mẽ và ngay thật" và "điều gì con thấy đã xảy ra cho những vật trước là sói nay thành cừu này thì con hãy làm như vậy cho các con của Ta. Ta sẽ là bà giáo của con. Con sẽ hiểu tất cả khi tới giờ."
Khi còn là cậu bé, Gioan đã bắt đầu biểu diễn ảo thuật, đã học cật lực vì những người bạn của cậu. Cậu mời gọi các bạn cùng cầu nguyện với cậu sau mỗi màn biểu diễn.
Linh mục già Calosso đã khởi đầu việc học tập để trở thành linh mục của cậu. Việc học của cậu làm cho cậu phải trả giá đắt. Chính vì việc học mà cậu phải rời khỏi nhà do sự chống đối của ông anh Antôn. Anh muốn Gioan phải làm việc trong nông trại.
Khi còn là chủng sinh tại Chieri, Thầy đã có sáng kiến cho "Hội vui: một hội quy tụ những đứa trẻ xung quanh thành phố." Tháng 6 năm 1841, Gioan được chịu chức linh mục. Cha linh hướng Cafasso đã khuyên cậu hoàn tất việc học tại Học viện Giáo sĩ. Trong khi đó, Don Bosco quy tụ những đứa trẻ đầu tiên và tổ chức sinh hoạt nguyện xá. Nguyện xá ban đầu mang tính lưu động, về sau mới được thiết lập cố định tại Valdocco. Mặc dù cao nhưng tuổi mẹ Magarita đã chấp nhận về Torino để giúp đỡ Don Bosco. Mẹ đã trở thành "má Magarita" của những đứa trẻ.
Hệ thống Giáo dục Dự Phòng
Don Bosco đã trở thành nơi náu thân cho những đứa trẻ không nhà cửa. Ngài dạy chúng làm việc và yêu mến Thiên Chúa. Ngài cùng ca hát, vui chơi và cầu nguyện cùng với chúng. Những đứa trẻ ban đầu là những cộng sự viên đầu tiên của ngài. Do đó, ngài phát triển phương pháp giáo dục nổi tiếng của mình: phương pháp Giáo dục Dự phòng. "Ở giữa trẻ, ngăn ngừa tội bằng lý trí, tình yêu và tôn giáo. Trở thành những vị thánh và những nhà đào luyện nên những vị thánh. Những đứa trẻ biết rằng chúng được yêu." Với thời gian, với sự giúp đỡ của Đức thánh cha Pio IX, những cộng sự viên đầu tiên đã trở thành một Tu hội với mục đích phần rỗi người trẻ, chống lại những hình thức của nghèo đói và sống với châm ngôn: "Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác cứ lấy đi."
Cậu bé Đaminh Savio là hoa quả đầu tiên của phương pháp Giáo Dục Dự Phòng. Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo hữu luôn luôn trợ giúp Don Bosco trong công cuộc, kín múc nhiều ân sủng cho ngài, thậm chí cả phép lạ cũng như mọi nhu cầu cho công cuộc của ngài. Mẹ đã trợ giúp ngài trong việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường mang tên Mẹ.
Nữ tu Dòng Con cái Mẹ Phù Hộ (FMA) và Hội Cộng Tác Viên Sa-lê-diêng
Với sự trợ giúp của thánh nữ Maria Domenica Mazzarello, ngài đã thành lập Dòng Con Cái Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Với sự cộng tác của các ân nhân và người đời dấn thân, ngài đã tận hiến đời mình cho Hội Cộng Tác Viên Sa-lê-diêng.
Don Bosco qua đời vì lao nhọc ở tuổi 72, ngày 31.01.1888. Ngày nay, gia đình Sa-lê-diêng hiện diện trên toàn thế giới. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên phong ngài là: "Cha-Thầy của Giới trẻ" trong dịp kỷ niệm 100 năm ngài qua đời.
THÁNH LUY IX, VUA nước PHÁP
VỊ VUA THÁNH THIỆN
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã trả lời những người hỏi chị về con đường nhỏ thiêng liêng là con đường nào. Thánh nhân không ngần ngại trả lời :”…Đó là con đường thơ ấu thiêng liêng, đó là con đường của niềm tín thác và sống hoàn toàn tín thác. Con muốn chỉ cho họ những cách thế nho nhỏ rất thành công đối với con. Con sẽ bảo họ rằng ở trần gian này chỉ có một việc phải làm : hãy tặng Chúa Giêsu những bông hoa của các việc hy sinh nho nhỏ, hãy làm Chúa vui thích bằng những sự vuốt ve. Chính đó là cách con đã làm Chúa vui thích, và nhờ đó mà con luôn được Chúa đón nhận “. Các thánh là những con người đã biết tín thácnơi Chúa, đã biết trông cậy ở nơi Ngài thật nhiều, nên các Ngài nhận được nhiều. Thánh Luy, Vua nước Pháp cũng không nằm ngoài thông lệ ấy. Thánh nhân sinh năm 1214 tại Poissy, nước Pháp. Cha Ngài là Vua Luy VIII. Mẹ Ngài là Hoàng Hậu Blanche de Castille. Nhờ sống trong một gia đình đạo đức, cho dù Cha Mẹ của Ngài là Vua, là Hoàng Hậu nước Pháp. Sống trong cảnh giầu sang, phú quí và có quyền hành. Nhưng chính đời sống của Mẹ Ngài đã gây ấn tượng lớn lao trong đời sống của Luy. Mẹ Ngài đã uốn nắn, dậy bảo Luy bằng đời sống thánh thiện của bà. Thánh nhân đã được Mẹ gieo vào tâm hồn những mầm mống đạo đức, thánh thiện suốt cả đời niên thiếu. Đến lúc trưởng thành, vào đời, thánh nhân luôn luôn nhắc đi nhắc lại lời Mẹ nhắn nhủ, bảo ban :” Mẹ thà thấy con chết trước mặt Mẹ, còn hơn thấy con Mẹ phạm tội trọng”.
Thánh nhân lên ngôi Vua kế vị Cha lúc mới 12 tuổi đời. Năm 19 tuổi, thánh nhân kết hôn với Marguerite, con gái quận công miền Provence. Hai ông bà sinh hạ cả thảy 11 người con. Với cương vị Vua lãnh đạo, trị vì nước Pháp, Luy luôn tỏ ra công chính, liêm khiết, ngay thẳng, hết mực thương dân chúng, đặt quyền lợi của Tổ Quốc và Giáo Hội lên trên những lợi ích cá nhân và danh vọng riêng tư. Thánh nhân dù là Vua nhưng đời sống lại không khác gì một thầy Dòng khổ tu : sáng tham dự thánh lễ, đọc kinh nguyện, xưng tội và đánh tội mỗi tuần. Đời sống của Vua Luy thật sự là một đời sống tín thác, trông cậy và yêu mến Chúa. Để thể hiện lòng yêu mến, thánh nhân đã hiểu rõ lời Chúa trong Tin Mừng của thánh Matthêu 25,31-46, Ngài đã tìm dịp để giúp đỡ những kẻ nghèo, thăm viếng và nâng đỡ những người đau yếu tật nguyền.
Thánh nhân đã lập Đạo Binh Thánh Giá đi chiến đấu với quân phá đạo ở Giêrusalem.
Ngài đã xây một đền thờ sau khi chinh chiến trở về để tôn kính mão gai Chúa Giêsu do Vua Constantin trao lại cho Ngài. Năm 1270, thánh nhân còn thiết lập một Đạo Binh Thánh Giá mới để chống lại quân Hồi Giáo đang hung hăng tàn sát đạo. Tuy nhiên một cơn dịch nặng nề đã khiến Đạo Binh của Ngài tan rã và thánh Luy đã lâm trọng bệnh, trở về nhà Cha vào ngày 25 tháng 8 năm 1270.
Chúa mời gọi mọi người nên thánh. Đường nên thánh không chỉ dành riêng cho giới tu sĩ được đặc tuyển, nhưng con đường nên thánh dành cho mọi người. Từ thứ dân đến Vua Chúa thế trần đều được Chúa mời gọi sống thánh thiện và trở nên thánh. Thánh Luy IX, Vua nước Pháp đã cậy trông nơi Chúa hết lòng, nên Ngài cũng được Chúa cho lãnh nhận thật nhiều những ơn huệ cao quí. Thánh nhân đã lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa: Hoàng Hậu và các con của Ngài quả thực là những tặng phẩm cao quí nhất Thiên Chúa tặng ban cho Ngài để Ngài làm vinh danh Chúa và cứu vớt các linh hồn.
THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ
Sống ở trần gian chỉ có 24 tuổi đời, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã để lại cho trần gian một con đường nên thánh xem ra đơn sơ, giản dị, nhưng cũng là một linh đạo tuyệt vời:” con đường thơ ấu thiêng liêng”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là ai ?
Con đường thơ ấu thiêng liêng nói gì cho ta ?
MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI:Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, con ông Louis Martin và bà Maria Guérin. Người sinh ngày 2 tháng 1 năm 1873 tại Alencon nước Pháp. Gia đình Ông bà Louis Martin sinh được 9 người con. Tuy nhiên 4 người con đã qua đời, chỉ còn lại 5 chị em gái. Tất cả 5 chị em gái sau này đều bước vào đời tận hiến trong các Dòng tu. Têrêsa mồ côi mẹ từ lúc chưa tròn 4 tuổi. Nỗi buồn mất mẹ cứ hằn sâu trong cuộc đời của Têrêsa. Ông Louis Martin bỏ Alencon lui về Lisieux với cả gia đình. Với truyền thống của một gia đình đạo đức và với tấm lòng đơn sơ, yêu mến Chúa, Têrêsa đã nhất quyết chọn cho mình một con đường. Do đó, thánh nhân đã xin vào tu viện nhà kín Cát Minh tại Lisieux vào tháng 4 năm 1888 lúc Người mới chưa tròn 15 tuổi . Thánh Têrêsa luôn cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa và Người đã sống cái diệu cảm của một con người đầy ắp Chúa. Tâm hồn của Người thật đạo đức, thánh thiện. Người cảm thấy ơn gọi của Người thật kỳ diệu vì chính vào đêm giáng sinh năm 1886, một biến cố làm cho Người quay trở về với Chúa và Người nhận thấy con người của mình được biến đổi hoàn toàn. Từ đây, ơn gọi yêu mến Chúa và yêu tha nhân thôi thúc Têrêsa. Người đã có thể nói như thánh Phaolô tông đồ:” Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “. Đời sống trong tu viện Cát Minh càng lúc càng nung đốt tâm hồn của thánh nhân. Đời sống nội tâm của Têrêsa càng ngày càng lên cao. Người đã có mối liên hệ mật thiết với Chúa ở một tầm cao mới, chiều sâu mới, quan hệ tình yêu. Thánh nhân cảm thấy càng ngày càng phải kết hợp với Chúa trong cuộc thống khổ của Ngài. Thánh nhân coi thánh kinh là sách gối đầu và là sách duy nhất giúp Người nên thánh và gần gũi Chúa. Tuy nhiên sự thử thách nội tâm và sự đau khổ thể xác diễn ra hằng ngày trong đời sống của thánh nhân đã làm cho thánh nhân càng ngày càng cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm tình yêu cao vời của Chúa.
Năm 1896 trong đêm thứ sáu tuần thánh, Têrêsa bị ho ra máu lần đầu tiên. Thánh nhân đã sống những tháng ngày trong sự đau khổ triền miên của bệnh tật. Có thể nói, mười tám tháng cuối cùng của cuộc đời Người là một cuộc tử đạo không ngừng. Thân xác bị đau đớn, nội tâm bị thử thách. Nhưng, thánh nhân đã sống hết mình vì tình yêu. Người lìa trần vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, hưởng thọ 24 tuổi. Cái tuổi còn đầy sinh lực và nhựa sống. Người ra đi trong tiếng thì thào:” Lạy Chúa, con yêu Chúa”. Đức Giáo Hoàng Piô XI nâng Người lên bậc hiển thánh và đặt Người làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU: Thánh Têrêsa đã bỏ cõi đời để đi vào cõi sống vĩnh hằng, Người đi vào cái trọn vẹn, cái lớn lao: yêu Chúa hơn bất cứ người nào trên dương thế này; Têrêsa muốn dâng mình cho tình yêu vô vị lợi, tình yêu nhân từ vô biên của Chúa như của lễ dâng hiến toàn thiêu; Têrêsa muốn yêu mọi người như Chúa Giêsu đã yêu nhân loại.
Người đã sống trọn vẹn con đường tình yêu của Chúa. Người đã chọn một linh đạo cho cuộc đời mình, linh đạo tình yêu nhỏ bé. Con đường của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Têrêsa tựï ví mình như trẻ nhỏ, mà nhỏ nghĩa là yếu đuối, hèn mọn, không thể tự sức mình làm được gì; nên phải yêu mến thật nhiều, yêu mến không giới hạn để đạt được điều mình ao ước, mong chờ. Quan niệm của Têrêsa giống như những người nghèo của Thiên Chúa mà đặc biệt là thái độ của Mẹ Maria trong kinh Magnificat. Têrêsa đã cảm nghiệm được con đường nên thánh qua thái độ, cử chỉ của Đức Mẹ. Têrêsa đã hiểu được bí quyết nên thánh theo thánh kinh:” trở nên người lớn nhất phải trở nên bé nhỏ nhất”. Đây là kinh nghiệm sống của Têrêsa trong cuộc sống hằng ngày. Con đường nên thánh của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Muốn đi con đường ấy, bí quyết thật giản dị: “ Hãy dâng mình yêu Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì Chúa, hãy chia sẻ tâm tình của Chúa cứu độ đang đau khổ trong các chi thể của Hội Thánh để cứu rỗi thế gian”.
Hãy yêu Chúa và yêu tha nhân thật nhiều. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đang mời gọi mọi người nên thánh bằng con đường tình yêu, con đường thơ ấu thiêng liêng…Nên thánh không phải là làm những việc vĩ đại, nhưng con người trở nên thánh bằng con đường nhỏ bé thiêng liêng. Têrêsa đã ví chiếc thang máy bác lên Trời là tình yêu. Con người chỉ có thể đạt được Nước Trời khi họ sống bé nhỏ và yêu thương.
THÁNH ANPHONGSÔ,
ÐẤNG SÁNG LẬP DÒNG CHÚA CỨU THẾ
(St. Alphonsus Liguori)
Các thánh là những người đã noi gương bắt chước Chúa Giêsu tới tận cốt lõi của Người.Nói một cách khác,các thánh là những người đã họa lại chính hình ảnh của Chúa Giêsu cứu thế đến nỗi thánh Phaolô đã có thể thốt lên:"Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Ðức Kitô sống trong tôi " hoặc" Anh em hãy bắt chước Thầy,như là Thầy đã bắt chước Ðức Kitô "( 1co 11,1 ).Thánh là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô .Ðọc cựu ước ngay những trang đầu của sách khải nguyên,Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người.Chúa muốn tất cả mọi người đều trở nên giống Ngài.Mỗi đời sống Kitô hữu đều là ngọn đèn sáng được thắp lên từ ánh lửa phục sinh,được thắp lên bằng ngọn lửa Tin, Yêu .Ngọn lửa này,con người có thể cho nó bùng lên giữa dòng đời,giữa cuộc sống thế tục hay nó được dâng hiến cho tình yêu trong đời sống hiến thân phục vụ cho tha nhân, cho mọi người trong đời sống dâng hiến .Ðời sống theo Chúa, sống tình yêu bền bỉ của Chúa như cha Henri J.M Nouwen đã viết: " Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu, tình yêu không hư, không nát "( The Inner of Love ).Thánh Phaolô viết:"Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi ".Chính vì thế, hôm nay Giáo Hội và đặc biệt các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế trên khắp thế giới tôn vinh một Con Người, đã hoàn toàn trở nên giống Ðức Kitô trong các nhân đức,tới mức độ hoàn thiện.
Thánh Anphongsô có thể ví được như một ngọn nến sáng được đốt lên từ ngọn lửa cháy bừng là Chúa Giêsu phục sinh để nối lửa cho nhiều người và nối lửa cho đời bằng chính sự thánh thiện và sự sống của mình: sự sống bắt nguồn từ Chúa sống lại .Ðã hơn hai trăm năm qua,thánh Anphongsô đã để lại cho Giáo Hội,cho nhân loại và cho các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế do Người thiết lập một mẫu gương thánh thiện không bao giờ có thể tàn phai .Mẫu gương được gọt dũa, được chạm trổ đến nỗi hiện nguyên hình Ðấng Cứu Thế� Giêsu .Gương của Người làm nổi bật bộ mặt tràn đầy yêu thương của Chúa Cứu Thế vì chính nơi Chúa:" Ơn cứu chuộc chứa chan ".Thánh Anphongsô đã chỉ cho nhân loại,cho người nghèo và cho các đệ tử của Người biết đâu là Tình Yêu của Chúa Giêsu .Tình yêu hy sinh đến tận hiến cả thân xác mình trên thập giá:"
Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu"( Ga 15, 13 ).Thánh Anphongsô đã vạch ra cho nhân loại con đường theo Chúa :" Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình,vác thập giá của mình mà theo Ta "( Lc 9, 23 ).Nên, thánh Anphongsô,hôm nay đã giơ tay cao, đã chỉ cho các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế của Ngài nhớ về cội nguồn của mình. Cội nguồn mà chính thánh Anphonsô đã lập ra một Dòng mang tên Chúa Cứu Thế vào năm 1732 với bao nhiêu thăng trầm,bao nhiêu khó khăn, thử thách. Thánh Anphongsô đã viết nên trang sử oai hùng cho đời mình,cho Dòng mình sáng lập .Với 16 tuổi đời,hai bằng tiến sĩ luật đạo và đời đã hé mở tương lai rạng rỡ cho cuộc đời thăng tiến của Anphongsô. Vinh quang vẫn là thách đố lớn nhất đối với gia đình của Anphongsô. Cha của Người không đồng ý cho Anphongsô tận hiến cuộc đời cho Chúa.Nhưng ý Chúa nhiệm mầu ,một vụ kiện, đáng lẽ Anphongsô phải thắng,nhưng.vẫn là đường lối quan phòng kỳ diệu của Chúa,thánh Anphongsô đã từ bỏ pháp đình,từ bỏ tất cả . Với sự nhất quyết theo chân Chúa, Anphongsô đã thắng cả sự ngăn cản của người cha và Người đã quyết định dứt khoát đi vào con đường hẹp .
Thánh Anphongsô ,sau khi học xong triết và thần học,đã lãnh nhận sứ vụ linh mục vào ngày 21 tháng 12 năm 1726 . Người đã chuyên cần giảng dậy và khuyên bảo mọi người thay đổi, tiến bước trên con đường nên thánh. Vì chính Người,sau một cuộc thua kiện đã thay đổi tất cả, đổi mới tất cả. Thánh Anphongsô đã đặt chiếc gươm, biểu tượng của dòng quí tộc dưới chân Ðức Mẹ.Thánh Anphongsô đã biến giây phút đó, giây phút hiện tại mà Người đặt thanh bảo kiếm dưới chân Ðức trinh nữ Maria làm giây phút hồng phúc và cứu độ. Cái giây phút mà trong cuộc hành trình chịu chết, Chúa đã nhìn Phêrô khiến Phêrô ăn năn và quay trở về với Chúa. Ðó là giây phút cứu độ của Phêrô. Còn đối với Anphongsô,giờ cứu độ của Người ở ngay dưới chân Ðức Mẹ.
Thánh Anphongsô đã lập một Dòng chuyên lo rao giảng cho những người nghèo,những người bơ vơ, vất vưởng và truyền bá lòng tôn sùng Ðức Mẹ, nhất là đức trinh nữ Maria với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp .Thánh Anphongsô đã làm gương cho các sĩ tử của Người trong nhiều nhân đức, đặc biệt ba nhân đức của Tin Mừng : Vâng phục, Khiết tịnh và khó nghèo . Người đã sống cùng tận cái cốt lõi của đạo là tình thương và muốn cho mọi người, cho các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế cũng noi gương bắt chước Ngài sống cái cốt lõi ấy.Ngài đã làm việc không ngừng,không ngơi nghỉ và dám khấn với Chúa:" Không bỏ xót một phút, giây nào ". Năm 1762, thánh Anphongsô được đặt làm Giám mục Giáo phận thánh Agatha Gothorum . Cuộc đời của thánh nhân gặp trăm bề thử thách cho tới cuối đời,nhưng Ngài đã tìm lại bình an và ra đi cách thánh thiện trong tay Chúa vào ngày 1/8/1789 .Năm 1871, Ðức Thánh Cha Piô IX đã đặt cho Ngài tước hiệu tiến sĩ Giáo Hội và Ðức Giáo Hoàng Piô XII đặt Ngài làm quan thầy các cha giải tội và các nhà luân lý.
THÁNH CLARA (St. Clare of Assisi)
Ðồng trinh, ngày 11/8
Đây là một trong số các trinh nữ khôn ngoan, đã cầm đèn sáng ra đón Đức Kitô ( ca nhập lễ, lễ các thánh trinh nữ ). Thánh Clara đã cảm nghiệm sâu sắc lời Chúa:” Kìa tân lang là Đức Kitô đã tới, hãy ra nghênh đón Người”( Mt 25, 6 ). Thánh Clara đã sống trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống làm con Chúa và Ngài đã đi tới tuyệt đỉnh các nhân đức.
MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI DẤN THÂN VÌ NƯỚC TRỜI:
Thánh Clara được sinh ra trong một gia đình quyền uy, thế giá ngày 16 tháng 7 năm 1194 tại Assise miền Ombrie nước Ý. Mẹ của thánh nhân đã hun đúc con ngay khi Clara còn nhỏ, bà đã giáo dục con về nhân bản, về mặt đạo đức và bằng chính gương sáng của bà. Thân mẫu của thánh nhân đã dạy cho thánh Clara biết cầu nguyện, biết từ bỏ và đức tính nhẫn nhục, kiên trì. Năm 1212, thánh nhân đã tới một vùng quê để ẩn mình, tránh xa tiếng ồn ào và chuyên chăm cầu nguyện. Tại vùng thôn dã này, thánh nữ đã gặp thánh Phanxicô khó khăn và chính thánh Phanxicô đã tận tình giúp Ngài trên đường nhân đức, trên đường nên thánh.Thánh nữ đã cương quyết chống lại sự ngăn cản của cha mẹ, gia đình. Sau cùng thánh nữ được đưa đến đền thờ thánh Đamianô để lập hội các chị tận hiến cho Thiên Chúa. Thánh Phanxicô vẫn tiếp tục hướng dẫn thánh nữ trên đường nhân đức. Thánh nữ Clara đã điều khiển hội Dòng cách ân cần và khôn ngoan.
THÁNH CLARA RA ĐI VỀ VỚI CHÚA:
Với một đời sống luôn lấy Chúa làm cùng đích, thánh nữ Clara đã luôn tâm niệm:” Tất cả cho Chúa, tất cả vì phần rỗi các linh hồn”. Thánh nhân đã sống đời sống thánh thiện và muốn các chị em Dòng mình nên thánh và thánh nữ sau một cuộc đời tận tụy đã ra đi về với Chúa bình an ngày 11 tháng 8 năm 1253 trước sự thương tiếc của mọi người. Năm 1255, Đức Tháh Cha Alexandre IV đã đặt Ngài lên hàng các thánh đồng trinh. Ngài đúng là:” Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy mất đi”( Lc 10, 42 ).