Suy Niệm Lời Chúa

*Chuyện cục đất sét và người thợ gốm..
Cục đất sét cũng chỉ là cục đất sét dơ bẩn chẳng có giá trị gì,mà nếu người ta dậm phải thì nó còn bị chửa cho.Nhưng nếu nó qua bàn tay của thợ làm gốm thì nó trở nên một vật hữu ích rất có giá trị,là một thứ tác phẩm mỹ nghệ được trưng bày trang trọng,nhiều người để ý đến.Câu chuyện này trích trong Cựu Ước,ý muốn thể hiện rằng:Con người ta là cục đất sét và người thợ gốm là Thiên Chúa tối cao đầy quyền năng.Nếu chúng ta không được bàn tay của Thiên Chúa che chỡ,đỡ nâng thì chúng ta chẳng có giá trị gì cả.Hãy để ta được thanh luyện trong bàn tay của người tài hoa thánh thiện ấy,thì ta mới thật sự có giá trị ở cõi Thiên Đàng diễm phúc.Hãy luôn ký thác bản thân ta nơi Ngài...
*Trong Thiên Chúa tất cả đều có thể..
Chúng ta mong chờ để thấy những gì nếu nó được công bố rằng chúa Trời đã làm ngơ? Được bồi dưỡng bởi nhiều câu chuyện từ Cựu Ước và những năm sử thi kinh thánh Holywood, chúng ta đang chờ đợi một sự phô diễn ngoạn mục về quyền năng và nghị lực. Điều đó rất có thể là kỳ vọng của Elijah, và đôi khi là cách mà chúng ta mong chờ để thấy được sự hiện hữu của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta – với nhiều tinh tế và hào hứng. Khi điều đó không sẵn sàng xảy đến, nó dễ dàng rơi vào bi quan và tiêu cực, nghĩ rằng Thiên Chúa đã phó mặc hoặc rằng Thiên chúa đóng vai những người được yêu thích.

Elijah đã chứng kiến sự xuất hiện của một trận động đất chớp nhoáng và mạnh khủng khiếp, gió và lửa. Nhưng đoán ra những gì – thiên Chúa không ở trong bất kỳ những điều này. Thiên Chúa không được đồng nhất với những hiện tượng tự nhiên – Thiên Chúa còn hơn thế nhiều. Thiên Chúa lặng im, kín đáo và tinh tế, Thiên chúa bất bạo động. Từ ngữ Hebrew được dịch bằng nhiều cách khác nhau – một âm thanh thì thầm, một giọng nói nhỏ nhoi êm ái, một cơn gió nhẹ thổi qua, và trong bản dịch này là sự “im lặng tuyệt đối.” Cách dịch chính xác có thể được nhường lại cho các học giả. Tất cả chúng được nói rõ một cách hoàn toàn giống nhau: êm đềm, hiền hòa, tĩnh lặng, một điều gì đó duy nhất vượt khỏi nhận thức của chúng ta giống như một giấc mơ được tranh để được ghi nhớ. Khi Elijah trải qua điều này, ông đã che mặt mình và ông biết rằng ông đang sống hiện hữu của Đấng Thánh Thiện.
Tại sao chúng ta không trải nghiệm sự im lặng đầy quyền lực này hoặc âm thanh thì thầm một cách thường xuyên hơn? Câu trả lời này thật đơn giản – chúng ta không lắng nghe nó. Văn hóa của chúng ta thì cực đoan, quá khích và tiếng nói với nhiều hoạt động cuồng tín ném vào. chúng ta tự cho phép mình bị nhận chìm trong nước và chết đuối trong tất cả mọi điều này. Chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa “trên cao” hoặc “bên ngoài” thay vì “ở đây.” Chúng ta cần trau giồi nghệ thuật của sự tĩnh lặng, êm đềm và biết cách rút ra khỏi những hoạt động liên tục và căng thẳng thậm chí nếu được một thời gian ngắn. Cầu nguyện và suy niệm không chỉ là những ngôn từ nhắm vào Thiên Chúa mà còn là im lặng lắng nghe.

Thánh Phao-lô là người đàn ông tình cảm sâu sắc và say mê. Ông không dối khi nói rằng ông sống trong nỗi buồn da diết và đau khổ của con tim. Ông đang đối phó với một thực tế đau đớn rằng nhiều người Do Thái theo ông đã không chấp nhận lời công bố của ông và đến với đức tin vào Đức Ki-tô. Có lẽ Thánh Phao-lô hẳn đã quên ông đã kháng cự như thế nào – đối với quan điểm là một kẻ bách hại. Nhưng ông không hề có một cái nhìn thèm khát hoặc cảm thấy tự mãn. Trong thực tế, ông sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi thứ để mà đạt được bằng đức tin của ông vào Đức Ki-tô dành cho dân của mình. Ông đã lãnh nhận nó một cách đúng đắn – chúng ta không bao giờ cảm thấy rằng chúng ta đã đến một cách thần thánh hoặc chúng ta cũng không nên coi thường những ai khogn6 chia sẻ đức tin của chúng ta hoặc những ai mà cuộc sống của họ rơi vào hoang mang, hư hỏng. Nỗi lòng đau đớn trắc ẩn với tha nhân trước cái nhìn là sẵn sàng hy sinh những gì mà người ta có là một dấu chỉ mà đức tin chân chính đã gửi gốc rễ của nó ăn sâu vào trái tim của tín hữu. Đức tin không bao giờ là một sở hữu chủ hoặc là một giải thưởng, mà là một món quà – và một món quà được sớt chia.
Đức tin và nghi ngờ là hai lực lượng vô cùng mạnh mẽ, chúng thường sống trong sự xung đột lẫn nhau. Đây là một chủ đề nhất quán trong Tân Ước: đó là đức tin có thể cho phép những hàn gắn diệu kỳ và bất chấp bản chất. Đó là đức tin mà cung cấp cho con người sự cản đảm để thực hiện những điều không thể và kiên trì trong lúc đối diện với những bất đồng lấn áp. Nhưng nghi ngờ là một sức mạnh bào mòn và hủy diệt mà những tình huống khó khan thậm chí bàn tay của Thiên Chúa – Chúa Giê-su đã không thể thực hiện được một chút nào trên quê hương của người bời một thị trấn thiếu đức tin. Trong một minh chứng sinh động về sức mạnh của đức tin, Chúa Giê-su đã mời Thánh Phê-rô bước theo hướng của Người đã đi qua trên mặt nước. Hẳn đây không không phải là nột việc hàng ngày xảy ra, nhưng với Thiên Chúa tất cả mọi sự việc đều có thể. Thánh Phê-rô đã thực hiện một cách tốt đẹp với sự chú ý của mình hoàn toàn tập trung vào Chúa Trời. Nhưng một khi sợ hãi thâm nhập vào tâm trí của ông và ông bắt đầu tự nhủ ông không tin việc đi trên nước, cuộc bách bộ dưới nước của ông đã dẫn đến một kết thúc chẳng vẻ vang.

Không biết bao nhiêu điều kỳ diệu và tuyệt vời bị chết ngay khi thai nghén vì nỗi hoài nghi và thiếu đức tin của nhân loại. Nhưng chúng ta cũng được cho rất nhiều điều tuyệt vời mỗi ngày bởi đức tin không thể lay chuyển của chúng ta vào một Thiên Chúa từ bi, nhân hậu.
(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
*Anh em cũng sẽ sống..

(Chúa nhật 6 Phục sinh)
Lời Chúa: Ga 14, 15-21

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người; còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”Suy niệm:

Marina Picasso là cháu của họa sĩ nổi tiếng Pablo Picasso.
Từ năm 1973-1975, bà phải chịu nhiều cái tang lớn:
ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua đời.
Ðây thật là những mất mát không sao bù đắp,
dù bà nắm trong tay một gia sản khổng lồ.
Năm 1990, bà nhận các em bé Việt Nam làm con nuôi,
và giúp cho các trẻ mồ côi được có nơi ăn học.
Từ lúc ấy, bà thấy một sự thay đổi nơi nội tâm:
“Nhờ giúp đỡ con em của nước này
mà tôi đã tìm lại được chính mình.
Giờ đây tôi cảm thấy mình như sống lại,
và tôi muốn phân phát sự sống đó cho các em.”
Hẳn có những Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm của Marina,
kinh nghiệm thấy mình được sống lại
nhờ biết ra khỏi nỗi đau của mình
để cúi xuống trên nỗi đau của người khác.
Kinh nghiệm tìm lại được chính mình trong bình an,
khi không còn bận tâm lo cho mình nữa,
kinh nghiệm thấy sự sống được nhân lên gấp bội
khi được đem chia sẻ tận tình.
Kitô giáo là tôn giáo của Ðấng đã sống lại,
Ðấng đang sống sự sống tràn trề của Thiên Chúa.
Ðức Giêsu phục sinh không chỉ hiện ra một đôi lần,
Ngài muốn ở mãi bên chúng ta cho đến tận thế.
Một sự hiện diện hai chiều, thâm sâu và mới mẻ:
“Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (c.20)
Một sự hiện diện đem lại sức sống dồi dào:
“Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống” (c.19).
Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh,
nhờ thông hiệp với Ðấng đang sống là Ðức Kitô.
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,
mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mùa Phục sinh nhắc ta nhìn lại sự sống nơi mình.
Lắm khi tôi sống èo uột, chỉ vì không dám yêu thương.
Bắt đầu yêu thương là bắt đầu thấy Chúa tỏ mình,
thấy sự sống Chúa bùng lên mạnh mẽ.
Thế giới hôm nay cố làm cho cuộc sống được bảo đảm hơn,
tiện nghi hơn và kéo dài hơn.
Nhưng thế giới hôm nay vẫn đầy nguy hiểm.
Mạng sống bi đe dọa bởi chiến tranh, tội ác, đói nghèo...
Cuộc sống bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa.
Thế giới đói khát sự sống đích thực.
Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Ðức Kitô,
chúng ta có thể trao cho thế giới sự sống đó
qua việc phục vụ trong yêu thương.

*Lấy sà ra khỏi mắt..

(Thứ hai Tuần 12 Thường niên)
Lời Chúa: Mt 7, 1-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”

Suy niệm:
Mỗi ngày chúng ta đưa ra biết bao nhận xét về người khác.
Thầy cô phải nhận xét về học trò, cấp trên phải nhận xét về thuộc hạ.
Việc lượng giá về từng cá nhân thường rất cần thiết và hữu ích.
Trong đời sống tu trì, vẫn có chuyện anh em sửa lỗi cho nhau.
Nói chung, sống thì phải đưa ra những phán đoán về người khác.
Nhưng làm sao để phán đoán ấy không trở nên một xét đoán lệch lạc?
Đức Giêsu dạy ta biết cách xét đoán qua bài Tin Mừng hôm nay.
“Anh em đừng xét đoán”: thật ra Đức Giêsu không cấm mọi thứ xét đoán.
Ngài còn dạy các môn đệ biết cách phân biệt ngôn sứ giả và thật (Mt 7,15),
phân biệt người xứng đáng và người không xứng đáng (Mt 10, 11),
biết cách đề phòng thói xấu của nhóm Xađốc và Pharisêu (Mt 16, 6).
Đức Giêsu chỉ đòi các tín hữu sống trong cộng đoàn huynh đệ
phải tránh lối xét đoán thiếu bao dung, khắc nghiệt,
mà quên chính mình cũng có những lỗi lầm lớn hơn nhiều.
“Anh em xét đoán thế nào, thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (c. 2).
Ngài muốn ta nhẹ tay và nhân từ khi cần phải xét đoán người anh em.
Vì cái đấu ta dùng để đong cho họ, Thiên Chúa sẽ dùng để đong cho ta.
Đấu đong đi càng lớn, đấu đong lại càng đầy.
Chỉ cần thay đổi cái đấu ta vẫn quen dùng, là cuộc đời của ta thay đổi.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh liên quan đến nghề mộc của Ngài,
để nói về chuyện người đạo đức giả.
Đó là hình ảnh bụi mùn cưa trong mắt người khác và cái xà trong mắt mình.
Một cái thì thật bé, một cái thì to đến độ khó lòng ở trong mắt được.
Hình ảnh phóng đại này hẳn làm ai cũng phải buồn cười.
Tôi thấy lỗi bé nơi anh em, nhưng lại không để ý tới lỗi lớn nơi tôi.
Tôi hăng hái xin được lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em,
nhưng lại rất khoan dung với cái xà trong mắt mình.
Đức Giêsu hóm hỉnh khuyên chúng ta nên lấy xà ra khỏi mắt trước đã,
rồi mới thấy tỏ tường để lấy hạt bụi mùn cưa khỏi mắt anh em.
Điều khó vẫn là thấy được cái xà trong mắt mình.
Lẽ ra tôi phải thấy ngay vì nó quá lộ liễu, ai cũng thấy.
Nhưng nó khó thấy, vì tôi không muốn thấy cái xấu của mình.
Càng có quyền, có chức, có uy tín, có tuổi tác và kinh nghiệm,
càng khó chấp nhận nếp nhăn nơi khuôn mặt mình.
Giá mà tôi thấy được cái xà nơi mắt tôi,
chắc tôi đã không dám đòi lấy hạt bụi nơi mắt người khác,
hay nếu có được ai nhờ lấy đi nữa,
thì cũng chỉ lấy một cách khiêm hạ, nhẹ nhàng.
Trong bài hát “Chúa Hòa Bình” của Phạm Duy có câu:
“Nếu có ai lầm lỡ, rồi sinh ra khắt khe…”
Chỉ mong chúng ta, nhờ thấy mình lầm lỡ và đã được Chúa thứ tha,
nên sinh ra dễ cảm thông với lỗi lầm người khác.

*Đấng có uy quyền..
(Thứ Ba Tuần thứ 1 Thường Niên)
Lời Chúa: Mc 1, 21-28


21Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. 22Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. 23Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24rằng: "Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!" 25Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" 26Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!" 28Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.
Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền (Mc 1,22)

Suy niệm:
1. Ðấng có uy quyền
Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường và chữa lành một người bị quỉ ám.
Sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt giam, Chúa Giêsu trở về Galilê và giảng dạy trong Hội đường một cách công khai. Ngài giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên tri trong Cựu Ước là những người được Thiên Chúa ủy thác cho; Ngài cũng không giảng dạy như các kinh sư Do Thái là những người chỉ giải thích Kinh Thánh và chất lên vai người dân gánh nặng của những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài. Giáo huấn của Chúa Giêsu là một cuộc giải phóng, một việc loan Tin Mừng cứu rỗi, cách riêng cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội. Dân chúng nghe Chúa đều nhận thấy có sự khác biệt sâu xa giữa giáo lý của Chúa và những lời giảng dạy của các Kinh sư Do Thái.
Kèm theo lời giảng dạy, Chúa Giêsu còn làm một phép lạ chữa một người bị quỷ ám. Phép lạ này chứng minh Ngài là Thiên Chúa, Ngài có toàn quyền trên quỷ dữ, Ngài đến để chấm dứt quyền thống trị của tà thần trên con người. "Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải vâng theo." Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện gây hứng thú và kinh ngạc nơi dân chúng; trái lại, những kẻ chống đối Chúa thì hạch sách Ngài: "Ông lấy quyền nào mà làm như vậy?" Họ không muốn công nhận những việc Chúa làm, họ mơ ước một Vị Cứu Tinh hùng mạnh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, trong khi đó Chúa Giêsu lại đến để giải phóng con người khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi.
Thánh Phêrô đã mời gọi các người đồng hương của ngài: "Thưa đồng bào Israel, xin hãy lắng nghe Chúa Giêsu Nazaret, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Ngài, Thiên Chúa đã cho Ngài làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em như chính anh em đã biết điều đó." Nguyện cho Lời Chúa hôm nay củng cố niềm xác tín rằng sứ mệnh cứu thế phát xuất từ nơi Chúa và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội. Giáo Hội đã lãnh nhận kho tàng đức tin, quyền thánh hóa và giáo huấn từ nơi Chúa. Xin cho chúng ta luôn trung thành với Giáo Hội và sẵn sàng đón nhận giáo huấn của các chủ chăn mà Chúa đã đặt lên hướng dẫn Dân Chúa trên đường tiến về Nước Trời.
2. Trong đám cử tọa
Lập tức trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi có can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta (Mc 1, 23-26).
Ngày nay đâu đâu người ta cũng nghe vang lên những lời quảng cáo rùm beng cao rao cho thông điệp của mình. Và quảng cáo nào thì cũng tìm cách nói hay nói tốt cho mình là muốn phục vụ hạnh phúc mọi người. Nghe rồi, có những cái thu phục được lòng tin tưởng của ta, có những cái lại khiến ta ngờ vực. Nhưng là tín hữu xét cho cùng, chúng ta có Lời Chúa trong Phúc Âm làm kim chỉ nam, và ta coi đó là chuẩn mực để đo lường phải trái, thực hư. Ta nhìn nhận rằng Lời Chúa là chân lý và uy quyền. Thế nên mỗi ngày ta tụ họp nhau để siêng năng và chăm chú lắng nghe Lời Chúa.
        Trong đám cử tọa, có một người đã biết rõ Chúa Giêsu là ai: “Tôi biết ông là ai rồi.” Anh ta biết rõ Chúa Giêsu là người có uy quyền và ảnh hưởng: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Nhưng cách anh tuyên xưng lại sai lạc; anh biết rõ Người, nhưng anh không phục tùng Người. Anh bài xích, anh đối đầu với Người: ”Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”
        Con người Giêsu này luôn đặt ra vấn đề ai là kẻ chân chính đích thực, và nhất là Người thường đặt ra cho chúng tôi mỗi khi chúng tôi tuyên xưng Thiên Chúa là đấng thánh, mỗi khi chúng tôi hát bài ca Thánh, Thánh, Thánh. Giờ đây chúng ta cũng đang là người trong đám cử tọa… Liệu Chúa sẽ bảo ta câm đi hay sẽ chấp nhận lời ta ca tụng Người?
        Những đòi hỏi của sự thánh thiện: Khi Môsê được Thiên Chúa tỏ cho ông biết sự thánh thiện của Người, tác giả sách Xuất Hành ghi nhận như sau: “Môsê lấy khăn che mặt, vì ông không dám nhìn Chúa” (Xh 3, 6). Còn tác giả Thánh vịnh khi đặt câu hỏi: ”Lạy Chúa, ai sẽ được cư ngụ nơi nhà Chúa?” liền trả lời rằng: “Chính là người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay… Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận …” (Tv. 15).
         Bởi thế ta không thể đến với Thiên Chúa thánh thiện, nếu như ta không tỏ lòng thần phục và kính sợ Người, hay những hành động của ta không được ngay thẳng. Chúa Giêsu nghĩ gì về lời kinh ca ngợi của tôi? Nếu Chúa Giêsu có bảo người bị quỷ ám ấy câm đi, thì không phải vì những lời anh ta nói có chi sai lạc, mà bởi vì những lời nói ấy không đi đôi với tâm tình của anh. Ta không thể mở miệng cao rao Thiên Chúa thánh thiện, mà lại là kẻ bài xích Người, hoặc ca bài Thánh Thánh Thánh mà lại chẳng thần phục suy tôn Người. Cũng không thể lấy câu hỏi này: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can chi đến ông?” mà thay thế cho lời kinh Lạy Cha ta vẫn thường đọc: ”Nguyện cho ý Cha thể hiện.”

*Phải đề phòng..

(Thứ bảy Tuần 34 Thường niên)
Lời Chúa: Lc 21, 34-36
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
                     Suy niệm:
Tháng 9-2009, Tổng Thống Nga Medvedev
gọi nạn nghiện rượu là quốc nạn.
Mỗi năm tính bình quân mỗi người dân uống khoảng 18 lít,
gấp đôi lượng rượu được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.
Nửa số người Nga chết giữa khoảng 15-54 tuổi là do hậu quả của rượu.
Trẻ em và phụ nữ cũng nghiện.
Tuổi thọ trung bình của đàn ông chỉ còn là 59.
Vì nhiều người chết nên dân số Nga sụt giảm mỗi năm.
Làm gì để cai nghiện cho hơn hai triệu người Nga,
đó là chuyện nhức đầu cho các nhà lãnh đạo.
Nhưng tại sao người ta lại bị nặng nề bởi rượu Vodka?
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta
về những thứ nặng nề đè trên trái tim người Kitô hữu.
Trong khi chờ đợi Chúa đến vào thời điểm không đoán trước được,
chúng ta có thể bị vướng vào những thú vui buông thả.
Sống bừa bãi, phóng túng, nhậu nhẹt, say sưa,
đó vẫn là cám dỗ muôn thuở của thân xác.
Chỉ cần đi một vòng thành phố hay các vùng quê vào ban đêm,
chúng ta thấy ngay cả một thế giới của ăn uống, hưởng thụ.
Nhưng trái tim con người còn có thể trở nên nặng nề
bởi những lo âu trần thế (x. Lc 8, 14).
Làm sao nhà cửa có thêm tiện nghi? làm sao thêm lương và lên chức?
Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt con người,
khiến con người không còn khả năng mở ra trước Chúa và tha nhân.
Con người giàu lên, nhưng lại thấy mình bất hạnh và gia đình đổ vỡ.
Mỗi năm ba mươi ngàn người chết vì tự tử ở Nhật.
Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim mạch.
Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất,
nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao.
Ngày Chúa đến như một bất ngờ, như một cái bẫy sập xuống,
không phải chỉ trên người Do Thái,
nhưng trên mọi dân cư ở khắp mặt địa cầu (c. 35).
Cả thế giới phải chịu phán xét chẳng trừ ai.
Bởi đó thái độ cần có mỗi ngày của người môn đệ
là luôn luôn thức tỉnh và cầu nguyện,
để có sức mà thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra (c. 36).
Để chuẩn bị cho cái chung cục, thì phải sống đều đặn cái hàng ngày.
Làm sao để khi Con Người là Đức Giêsu trở lại trên mây trời,
Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế đứng thẳng,
không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê,
nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi.
Có những lo âu vẫn chi phối tôi làm tôi nặng lòng.
Có những mê đắm kéo ghì tôi xuống và bắt tôi làm nô lệ.
Mùa Vọng sắp đến mời tôi tỉnh thức và cầu nguyện, để đứng lên.

*Anh em làm chứng cho Thầy..

(Thứ ba Tuần 34 TN)

Anh em làm chứng cho Thầy
Lời Chúa: Lc 21, 5-11

        Nhân có mấy người nói về Ðền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Ðức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” Ðức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục đâu.”
Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.”
            Suy niệm:
Trong số 117 vị Tử Ðạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988,
có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con.
Ðó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Ðê.
Trước khi là một anh hùng tử đạo,
bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu.
“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con.
Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý,
sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.”
Ðó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.
Nhà bà Ðê là nơi các linh mục trú ẩn.
Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861,
quan Tổng Ðốc Nam Ðịnh cho quân bao vây làng của bà.
Bà Ðê bị bắt lúc đã 60 tuổi.
Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo,
bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người.
Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam,
đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu,
bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng:
“Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy,
mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”
Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình,
người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.
Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam
là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta.
Thiên Chúa đã làm điều phi thường
nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối.
Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Ðịnh cũng phải bó tay
trước sự yếu đuối kiên vững của bà.
Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ,
bà thánh Ðê đã phó mặc cho Chúa đời mình.
Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án,
vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.
Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin,
dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu,
không đòi hy sinh mạng sống,
nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.
Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa,
trước thập giá của Ðức Giêsu,
y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.
Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình,
đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.
Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin.
Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo
gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp
mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.
Ước gì chúng ta không để mất đức tin
được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo,
và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy
cho hơn 80 triệu đồng bào trên quê hương.

*Chỗ cuối..

(Chúa nhật 22 Thường niên, Năm C)

Chúng ta thường thích giao du với người có thế giá, có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả khi cần. Chính vì thế xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, kém cỏi về mọi mặt.

Lời Chúa: Lc 14, 1.7-14

Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Rồi Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

Suy niệm:

Phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời

thường xoay quanh những chiếc ghế.

Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng.

Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.

Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình.

Người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường.

Giacôbê và Gioan thích ngồi hai bên tả hữu Thầy Giêsu.

Philatô cho đóng đinh Ðức Giêsu vô tội, vì ông sợ mất ghế.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các khách dự tiệc

cứ chọn ghế nhất mà ngồi.

Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế.

Chiếu trên, chiếu dưới chẳng phải là chuyện xưa ở đình làng.

Ngày nay vẫn có những bạn trẻ

cố kiếm được mảnh bằng và chỗ làm lương cao

để ung dung hưởng thụ một chỗ đứng trong xã hội.

“Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo,

sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống.

Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ,

sẽ được Thiên Chúa tôn lên.”

Ðức Giêsu mời ta vượt qua thói háo danh, để sống khiêm tốn.

Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên.

Khiêm tốn không phải là coi thường mình hay sợ người khác.

Khiêm tốn không phải là rụt rè, không dám nhận trách nhiệm.

Khiêm tốn là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa,

và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.

Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay ghế nhất.

Chiếc ghế không phải là mục đích họ cần chiếm được,

nhưng là phương tiện để phục vụ mọi người.

Chức vụ cho họ cơ hội cúi xuống thật gần

với nỗi đau của nhân loại đang chờ họ giúp đỡ.

Người khiêm tốn không tự tìm vinh quang cho mình,

họ hồn nhiên vô tư để Thiên Chúa tự do định liệu.

Chúng ta dễ đánh giá người khác dựa trên ghế của họ.

Nhưng một người quét đường có lương tâm

còn giá trị hơn một giám đốc tham ô lãng phí.

Ðức Giêsu nói đến việc chọn khách để mời ăn.

Ngài khuyên nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền,

hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có.

Ngài đưa chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi,

để đi vào thế giới của những người bất hạnh.

Chúng ta thường thích giao du với người có thế giá,

có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả khi cần.

Chính vì thế xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi,

vì nghèo túng, kém cỏi về mọi mặt.

Hãy ra khỏi thế giới quen thuộc của mình,

để đến với những người cần chúng ta hơn.

Bao trẻ em ở vùng xa cần giáo viên.

Bao bệnh viện ở các huyện cần bác sĩ.

Ước gì chúng ta hạnh phúc khi cho không tính toán

vì thấy mình đã nhận được gấp trăm điều mình cho.